Nộp hồ sơ bao lâu thì được gọi phỏng vấn – Bao nhiêu ngày?

Bạn rải hồ sơ khắp nơi và đang ngồi chờ đợi kết quả. Bạn đang rầu rĩ không biết có nên gọi hỏi nhà tuyển dụng hay không. Để biết được làm thế nào thì chúng ta hãy xem qua hướng dẫn bên dưới. Đặc biệt, phần trình bày sẽ giúp bạn biết rõ nộp hồ sơ bao lâu thì được gọi phỏng vấn.

Nộp hồ sơ như thế nào?

Chuẩn bị cho mình một cv hoàn chỉnh và đẹp mắt sau đó tìm các công việc phù hợp để nộp hồ sơ. Nhưng lưu ý là yêu cầu công việc ở mỗi công ty khác nhau, thế nên bạn phải chỉnh sửa cv cho phù hợp với công việc được tuyển. Chẳng hạn phỏng vấn vị trí sale thì nên nhấn mạnh phần kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Hoặc vị trí kế toán thì nên lưu ý phần chuyên môn, sử dụng thành thạo tin học văn phòng.

Hiện nay, nhiều công ty có hình thức tuyển dụng khác nhau vì thế việc đầu tiên khi xin việc là bạn phải xem thật kỹ tin tuyển dụng phần hướng dẫn nộp hồ sơ. Sau đó làm theo, có thể là nộp hồ sơ qua mail, nộp cv trực tuyến trên trang web hoặc đến trực tiếp tại công ty…

Nếu có thể bạn cứ nộp đủ mọi hình thức để tạo sự chú ý cho nhà tuyển dụng vì đôi khi họ cũng không thể xem hết các hồ sơ. Thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách gọi điện thoại để hỏi hồ sơ đã được nhà tuyển dụng nhận được hay chưa. Thông qua đó hỏi thêm về vị trí công việc cũng như thời gian có thể phỏng vấn.

Nộp hồ sơ bao lâu thì được gọi phỏng vấn?

Quy trình tuyển dụng nhân sự thường có sự sàng lọc và xem xét kỹ lưỡng và thời gian chậm nhất có thể là 1 tuần. Sau khi nộp hồ sơ phải chờ đợi 2 hay 3 ngày là rất bình thường nên chúng ta đừng nôn nóng và không nên liên tục gọi hỏi. Như thế, sẽ làm cho nhà tuyển dụng khó chịu vì bạn không hiểu quy trình.

Thông thường khi bạn nộp hồ sơ phải đợi trong khoảng 7 ngày nhà tuyển dụng sẽ gọi điện thoại để hẹn ngày phỏng vấn, có thể là ngay ngày hôm sau. Kết thúc cuộc trò chuyện bạn có thể hỏi thời gian có kết quả hoặc có những nơi hẹn bạn phỏng vấn vòng 2. Có được thông tin từ họ bạn sẽ an tâm chờ đợi.

Cuộc phỏng vấn trực tiếp thường có kết quả ngay ngày hôm đó. Nhà tuyển dụng sẽ gửi mail phản hồi hoặc gọi trực tiếp cho bạn. Nếu gọi điện thoại thì bạn có thể hỏi những thông tin về việc chuẩn bị đi làm. Hoặc gửi mail thì bạn có thể phản hồi lại để nhà tuyển dụng biết bạn có đi làm hay không.

Nếu đây là công việc mà bạn quan tâm thì hãy nên chờ đợi và ứng xử đúng mực ngay khi kết quả không khả quan. Vì những đợt tuyển dụng sau hồ sơ của bạn có thể sẽ được quan tâm nhiều hơn. Hoặc chúng ta chủ động liên hệ đến những nơi khác để hỏi thăm thông tin tuyển dụng. Không nên chỉ nộp hồ sơ tại một nơi và ngồi đấy chờ đợi mà không làm gì cả.

Làm gì khi nhà tuyển dụng chưa liên hệ?

Trên thực tế có rất nhiều đơn vị tuyển dụng không xem hết nhanh chóng các hồ sơ, hoặc hồ sơ không phù hợp họ cũng không liên hệ lại bạn. Nhưng chúng ta lại ngồi đấy mơ hồ chẳng biết hồ sơ có được xem hay không, có khi đã bị loại. Và việc chờ đợi này khiến bạn lo lắng, hoang mang.

Vậy các bạn nên chủ động liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng nếu thời gian quá 1 tuần. Việc liên hệ này giúp chúng ta có được thông tin chính xác nhất, qua đó xem xét lại những điều thiếu sót của bản thân và rút kinh nghiệm cho việc nộp hồ sơ tiếp theo.

Đôi khi khó xác định chính xác việc nộp hồ sơ bao lâu thì được gọi phỏng vấn. Thế nên, bạn hãy luôn chủ động hỏi nhà tuyển dụng nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Mỗi đơn vị có cách tuyển dụng khác nhau và điều quan trọng nhất là chúng ta hãy xem thật kỹ thông tin cũng như quy trình tuyển dụng để làm theo những gì mà họ yêu cầu.

Không biết mình thích nghề gì – Cách khám phá bản thân

Bạn không biết mình thích nghề gì và đâu là hướng đi thích hợp cho bản thân. Bạn cảm thấy cô đơn lạc lõng và mất đi động lực để cố gắng. Tất cả những nỗi sợ hãi này đến từ việc chúng ta không biết cách tìm ra giải pháp đúng đắn. Hãy tìm ra lời giải bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây.

Mục đích chọn nghề là gì?

Không ít người lựa chọn nghề nghiệp xuất phát từ nhiều lý do khác nhau trong đó bao gồm các yếu tố như:

– Theo ý kiến gia đình: Thay vì tự mình đưa ra quyết định lựa chọn nghề mà bản thân yêu thích thì không ít các bạn trẻ nghe theo ý kiến gia đình. Những trường hợp này một là các bạn hạ quyết tâm theo đuổi những thứ mình thích, hai là chính bản thân bạn làm theo ý kiến cha mẹ mà không cần lo lắng gì cả. Nếu rơi vào trường hợp 2 thì chúng ta không cần phải trả lời câu hỏi trên vì mọi thứ đã vạch sẵn kế hoạch cho bạn.

– Theo sự phát triển của nghề nghiệp: Bạn nhận thấy những nghề có cơ hội kiếm được nhiều tiền, thăng tiến cao, dễ kiếm được việc làm, có nhiều người lựa chọn… Và chúng ta cuốn theo phong trào mà người ta hay gọi các nghề “hot” trong tương lai và bỏ qua sở thích của bản thân. Những trường hợp này bạn cũng chẳng cần  phải suy nghĩ, vì rất dễ kiếm những ngành nghề có triển vọng trong tương lai bằng cách seach thông tin trên mạng cho ra những nghề hấp dẫn mà bạn có thể tha hồ lựa chọn.

Nhưng nếu chúng ta coi trọng giá trị bản thân, nhất định làm một công việc mà mình đam mê phù hợp với sở thích thì bạn có thể tìm ra lời giải bằng cách trả lời câu hỏi sau: Đam mê của bạn là gì?

Đam mê của bạn là gì?

Chúng ta cùng lúc yêu thích rất nhiều việc nhưng đam mê thì chỉ có một. Vậy nên bạn hãy phân biệt đâu là sở thích nhất thời đâu là đam mê khiến bạn miệt mài theo đuổi mà quên đi mọi thứ. Kiểm chứng điều này bằng cách:

– Dành thời gian hàng giờ để làm một việc: Nếu đang phân vân không biết mình thích nghề gì thì chúng ta hãy gạch đầu dòng các việc thích làm sau đó dành một khoảng thời gian dài tìm hiểu về từng việc. Mục đích làm để xem việc nào bạn dành thời gian làm hoài mà không chán thì bạn có thể tìm ra đam mê của mình.

– Bạn có tiếp tục nếu việc đó khó khăn: Bất kể công việc gì cũng có khó khăn của nó. Bạn hãy thử xem việc mình thích làm có những khó khăn nào và bạn có thể vượt qua khó khăn đó hay từ bỏ. Nếu là sở thích nhất thời tin chắc rằng khi đối diện với khó khăn bạn sẽ sớm từ bỏ.

– Ngẫm lại thói quen của bản thân: Đôi khi những thói quen của bạn có liên quan đặc biệt đến sở thích và đam mê. Chẳng hạn bạn có thói quen xem phim, bạn yêu thích các nhân vật, cốt truyện hay, lời thoại hấp dẫn… Vậy chúng ta hãy thử nghĩ xem nếu bạn là người sáng tạo ra các nhân vật đó hoặc chính bạn sẽ đóng vai các nhân vật thì điều này có làm bạn thích thú. Hoặc chúng ta thường quan tâm đến các vấn đề nào trong xã hội và có thể bỏ ra hàng giờ để chú tâm theo dõi các vấn đề đó. Những điều này giúp bạn dễ tìm ra sở thích và lớn hơn cả là đam mê thật sự.

Hành động để khám phá bản thân

Một trong những cách để khám phá bản thân chính là trải nghiệm. Thực tế ở xã hội hiện đại có rất nhiều điều cần bạn trải nghiệm qua đó chúng ta có thể dễ dàng hiểu mình muốn gì và cần gì. Có thể tham gia các hoạt động xã hội như: từ thiện, các câu lạc bộ, hội nhóm, đi du lịch, nấu  ăn…

Hãy làm nhiều việc khác nhau bạn sẽ phát hiện ra bản thân mình phù hợp với việc gì và không thích làm việc gì. Trong mỗi công việc sẽ có những khó khăn, đúc kết kinh nghiệm và hơn thế nữa là học hỏi chuyên môn. Qua việc này hãy xem xét bản thân có nên tiếp tục gắn bó hay dừng lại tìm việc khác theo ý muốn.

Ai trong chúng ta cũng sẽ có rất nhiều việc muốn làm nhưng đôi khi chính bản thân có lúc lại không biết mình thích nghề gì nhất. Thế nên, bạn hãy hành động làm một việc gì đó vì đam mê không chỉ là ngồi đó suy nghĩ mà bạn phải thực hiện để khám phá giá trị đích thực của mình.

Sinh viên mới ra trường nên làm gì là đúng nhất?

sinh vien moi ra truong

Kết thúc thời sinh viên là khởi đầu cho những bước đi xây dựng sự nghiệp, có những cuộc vui, mừng rỡ vì mình đã hoàn thành một chặng đường dài. Nhưng “đấu trường” thật sự chông gai có lẽ là công việc ngoài xã hội mà nhiều bạn còn mơ hồ chưa nhận ra. Quá nhiều thứ chúng ta phải lo và đôi khi cảm thấy mệt mỏi. Đứng trước thực trạng này thì một sinh viên mới ra trường nên làm gì?

Bắt đầu tìm việc làm

Thông thường sau khi tốt nghiệp mỗi bạn sẽ lựa chọn cho mình hướng đi khác nhau, có bạn học lên cao học, có bạn nghỉ ngơi một thời gian phụ giúp gia đình và số còn lại là tất bật tìm việc làm. Trong đó, đau đầu nhất có lẽ là những ai muốn tìm công việc phù hợp với chuyên môn và sở thích. Tuy nhiên, điều này là sự khó khăn bởi công việc thường bắt đầu luôn có những thử thách.

Chúng ta tìm mãi mà không có công việc phù hợp. Hoặc có những nơi đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm, các kỹ năng… Đừng cảm thấy hụt hẫng mà hãy phấn chấn tinh thần. Tạm dừng việc làm theo ý muốn và thuận theo những đòi hỏi của công việc hiện tại. Chẳng hạn chấp nhận làm một công việc trái ngành miễn sao có việc để làm và học hỏi. Sau đó, lên những kế hoạch để thực hiện và tìm ra hướng đi thích hợp cho mình ở một giai đoạn nào đó.

Chấp nhận làm không công và lương thấp nếu cảm thấy mình có thể gắn bó với công việc đó lâu dài. Hơn nữa, nếu công việc này là tương lai sự nghiệp của bạn thì rất đáng để chúng ta đánh đổi. Bạn nên nhớ rằng làm việc không lương và lương thấp chỉ là tạm thời chứ không phải là suốt đời. Cho đến khi khả năng đủ lớn thì lúc đó chính là cơ hội chuyển mình để có một sự nghiệp và thu nhập tốt.

Duy trì các hoạt động

Dù bạn đã đi làm hay chưa thì vẫn nên duy trì các hoạt động. Ví dụ các công việc làm thêm, lớp học nâng cao chuyên môn, kỹ năng, lớp học ngoại ngữ, lớp đào tạo ngắn hạn, các phong trào, hội nhóm… Đây là các hoạt động bổ ích mà sau này giúp “tô đẹp” cho cv của bạn.

Hãy giữ lối sống tích cực và rèn luyện tính kiên nhẫn vì tinh thần đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Nếu không có một tinh thần thoải mái, đầu óc thông thái, tính nhẫn nại và tầm nhìn xa trông rộng thì bạn sẽ chẳng thể thành công. Do đó, hãy tạo cho mình thói quen tốt bằng cách đọc sách, tập thể dục, tìm tòi và học hỏi các thứ…

Dành thời gian đi du lịch để trải nghiệm bạn sẽ thấy ngoài kia bao la rộng lớn còn nhiều điều chờ bạn khám phá. Đây là không gian thích hợp để chúng ta nhìn nhận lại con đường nên đi và tự tạo cho mình những cách nghĩ mới về cuộc sống cũng như công việc. Thử quan sát những ai có thói quen du lịch, đa phần họ là những người có lối sống phóng khoáng, tự do, thoải mái và dường như trong mắt người khác họ luôn có điều gì đó cuốn hút, hiểu biết và vui vẻ.

Nâng cao chuyên môn

Chuyên môn là giá trị lớn nhất trong công việc của bạn. Do đó, chúng ta không ngừng học hỏi để tăng thêm kiến thức cho bản thân thì sẽ dễ tìm việc hơn. Thời Đại học mọi người học rất nhiều môn trên giảng đường đôi khi có nhiều thứ chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu muốn có việc làm tốt trong lĩnh vực nào đó thì chúng ta phải đi sâu vào tìm hiểu và học hỏi thực tế ở bên ngoài.

Mở rộng ngành học bằng cách tham gia các lớp học. Chẳng hạn bạn học báo chí ra trường định sẵn là đi theo con đường làm phóng viên, kỹ năng cần thiết là săn tin, viết bài. Vậy bạn cần học những thứ bổ trợ thêm cho mình ví dụ phần mềm chỉnh sửa ảnh, kỹ năng biên tập…

Sinh viên mới ra trường nên làm gì? Là câu hỏi có rất nhiều lời khuyên. Tuy nhiên, chỉ duy nhất bản thân của chúng ta mới hiểu rõ mình cần làm gì và điều gì là thích hợp. Bạn có thể chầm chậm bước đi chỉ cần không từ bỏ. Và hi vọng qua bài viết này có thể tiếp thêm động lực cho mọi người.

5 CỤM TỪ NÊN TRÁNH VIẾT TRONG THƯ XIN VIỆC

Bạn đã cá nhân hóa bức thư xin việc, viết mở đầu và kết thúc thư một cách thật ấn tượng.

Nhưng bạn vẫn chưa xong đâu. Trước khi gửi, hãy kiểm tra lại để đảm bảo rằng bạn không sử dụng bất kỳ từ nào trong số năm từ và cụm từ này – chúng sẽ phá hỏng thư xin việc của bạn dù hoàn hảo đến đâu.

  1. “I Think I’d Be a Great Fit…” (tạm dịch: “Tôi nghĩ tôi là người phù hợp …”)

Khi học Tiếng Anh, giáo viên đã dạy chúng ta đừng bao giờ sử dụng “Tôi nghĩ” trong một bài luận bởi vì khi chúng ta viết thì đó đương nhiên là điều chúng ta nghĩ.

Điều này vẫn đúng đối với thư xin việc. Không chỉ “tôi nghĩ”, “tôi cảm thấy”, “tôi tin rằng”, trông dư thừa, những từ, cụm từ này còn khiến bạn trông có vẻ thiếu tự tin.

Cách sửa chữa:

Loại bỏ mọi “cụm từ nêu ý kiến của bản thân” trong thư giới thiệu của bạn. Chắc chắn 99% bạn không cần phải viết lại câu. Ví dụ, thay vì nói, “Tôi tin rằng kỹ năng giao tiếp của tôi sẽ giúp tôi trở thành một nhà quản lý dự án.”, hãy viết “Kỹ năng giao tiếp của tôi sẽ giúp tôi trở thành một nhà quản lý dự án.”

  1. “Good” (tạm dịch: “Giỏi”)

Bạn có thể viết bạn là “một nhà văn giỏi” hay “giỏi trong việc làm việc nhóm, hợp tác với người khác”. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tính từ khác hiệu quả hơn.

Cách sửa chữa:

Thay thế “tốt” bằng một trong những mô tả sau:

Skilled (tạm dịch: có kỹ năng)

Talented (tạm dịch: có tài)

Experienced (tạm dịch: có kinh nghiệm)

Expert (tạm dịch: có kinh nghiệm, thành thạo)

Able (tạm dịch: có năng lực, có thể làm việc gì)

Capable (tạm dịch: có tài, có năng lực, có khả năng)

Efficient (tạm dịch: có năng lực, có khả năng)

Lưu ý: Đảm bảo từ, cụm từ thay thế thể hiện chính xác kỹ năng hoặc kinh nghiệm của bạn.

  1. “This Job Would Help Me Because…” (tạm dịch: “Công việc này sẽ giúp ích cho tôi vì …”)

Trên thực tế, bạn, bạn bè của bạn và các thành viên trong gia đình của bạn quan tâm đến công việc này sẽ giúp gì cho bạn. Nhưng nhà tuyển dụng thì không. Tất cả những gì họ quan tâm là tìm ra người phù hợp nhất cho vị trí công việc đó. Vì vậy, nếu bạn đang giải thích rằng vị trí này sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng lãnh đạo, học hỏi thêm về ngành, lĩnh vực mà bạn yêu thích thì hãy xóa ngay.

Cách sửa chữa:

Bạn cần phải giải thích lý do tại sao bạn ứng tuyển công việc này.

Công thức chung là:

Khả năng của bạn + nhu cầu của công ty = kết quả mong muốn

  1. “As You Can See on My Resume…” (tạm dịch: “Theo như những gì ngài thấy trong hồ sơ của tôi …”)

Đây là một cụm từ thông dụng. Nhưng nếu người quản lý tuyển dụng có thể nhận ra trong sơ yếu lý lịch của bạn, sự thông báo là không cần thiết.

Cách sửa chữa:

Tất cả những gì bạn phải làm là xóa bỏ cụm từ này – và không cần phải thay đổi bất cứ điều gì khác!

Vì vậy, thay vì viết, “Như ngài thấy trong sớ yếu lý lịch của tôi, tôi có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực Marketing và PR”, hãy chuyển thành, “Tôi có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực Marketing và PR. ”

  1. “I’m the Best Candidate Because…” (tạm dịch: “Tôi là ứng cử viên phù hợp nhất bởi vì …”)

Sự tự tin là tốt, nhưng kiêu ngạo thì không. Và ngay cả khi bạn chắc chắn rằng bạn là một ứng cử viên tuyệt vời như thế nào đi chăng nữa. Hãy tưởng tượng bạn đọc qua sáu lá thư xin việc và hầu hết đều tuyên bố “Tôi là ứng cử viên giỏi nhất.” Điều đó sẽ nhanh chóng gây chú ý đúng không? Hãy hạn chế sử dụng “giỏi nhất.” Tương tự như vậy, tôi cũng tránh xa “lý tưởng” và hoàn hảo. ”

Cách sửa chữa:

Dùng những từ mức độ ở giữa “tốt” và tốt nhất”.

Excellent (tạm dịch: xuất sắc)

Great (tạm dịch: tuyệt)

Outstanding (tạm dịch: nổi bật)

Unique (tạm dịch: độc nhất)

NHỮNG BÍ MẬT NHÀ TUYỂN DỤNG KHÔNG BAO GIỜ NÓI VỚI ỨNG VIÊN

Phỏng vấn không phải việc dễ nhất trong quá trình tìm việc. Tuy nhiên lại dễ dàng hơn bạn nghĩ. Để có một cuộc phỏng vấn thành công, bạn muốn biết chính xác bạn sẽ được hỏi những gì và bạn sẽ trả lời như thế nào. Dưới đây là một số bí quyết có thể giúp bạn đi trước một bước

Hãy vui vẻ với tất cả mọi người.

Nếu bạn gây khó chịu cho bất cứ ai – trước hoặc sau cuộc phỏng vấn của bạn – nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ tìm hiểu về vấn đề nó. Cho dù bạn đã nói những gì trong bãi đậu xe hoặc nếu bạn vô tình lỗ mãng với nhân viên tiếp tân, cũng sẽ đẩy bạn vào thế bất lợi. Nhà tuyển dụng có thể không chỉ hỏi ý kiến của những người trong phòng phỏng vấn, mà còn cả những người đã tiếp xúc với bạn trong và ngoài tòa nhà. Hãy luôn hành xử đúng mực!

Thể hiện bản thân quá mức.

Vâng, bạn nên là chính mình khi bạn đang phỏng vấn, bởi vì nếu bạn cố gắng trở thành một người không phải là bạn, thái độ giả dối của bạn sẽ bộc lộ trước nhà tuyển dụng. Hãy tiết chế bản thân. Ví dụ, bạn huyên thuyên quá nhiều? Bạn có xu hướng cười gượng gạo mỗi hai giây? Hãy cố gắng tiết chế đến mức tối thiểu.

Mùi hương nước hoa có thể khiến bạn bị từ chối.

Nếu bạn vừa mua một loại nước hoa mà bạn nghĩ là sẽ rất hoàn hảo cho buổi phỏng vấn, người phỏng vấn bạn có thể không nghĩ vậy.

Biết tự tin là gì.

Đừng lẫn lộn tự tin với kiêu căng, tự mãn. Nếu bạn tự tin thái quá trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể sẽ bị xem là hành xử chưa chuyên nghiệp. Hãy duy trì sự chuyên nghiệp mọi lúc. Người phỏng vấn có thể sẽ không thích những ứng viên có cái tôi quá lớn.

Nếu bạn không thích nghi, bạn sẽ bị đào thải.

Hãy luôn thích nghi với công nghệ mới. Nếu bạn không cập nhật phần mềm hoặc máy móc mới nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, bạn sẽ đặt mình vào thế bất lợi – đặc biệt nếu bạn là một ứng viên lớn tuổi. Nếu bạn bước vào một lĩnh vực nghề nghiệp hoàn toàn mới thì không có gì ngạc nhiên khi bạn không biết các công cụ, phần mềm mới nhất, nhưng hãy nghiên cứu và hỏi về những phần mềm cần thiết cho công việc mà bạn phải biết sử dụng.

Nhận được gọi hẹn phỏng vấn nghĩa là cơ hội đang đến rất gần.

Người phỏng vấn sẽ tìm lý do để không tuyển bạn. Vì cách đó dễ hơn. Điều này có nghĩa là việc được tham gia vào một cuộc phỏng vấn mặt đối mặt là một dấu hiệu cho thấy bạn có cơ hội được chọn rất cao. Mất rất nhiều thời gian để tổ chức các cuộc phỏng vấn, và người phỏng vấn không dành thời gian cho một người mà họ nghĩ là không tuyển.

Khi nói đến các cuộc phỏng vấn, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng đàm phán của bạn với nhà tuyển dụng. Dù bạn đang được phỏng vấn bởi người quản lý tương lai của bạn hoặc một ai đó trong bộ phận của bạn, bạn cũng có thể thấy rằng kỹ năng đôi khi cũng không quan trọng miễn là bạn đáp ứng yêu cầu công việc (ví dụ loại phần mềm, kiến ​​thức chuyên ngành nhất định). Miễn là bạn gây ấn tượng, bạn sẽ có cơ hội được tuyển dụng.

Tác giả: Georgina Bloomfield

 

3 THỦ THUẬT TÂM LÝ ĐƠN GIẢN GIÚP BẠN VƯỢT QUA CUỘC PHỎNG VẤN XIN VIỆC

Bạn đã chuẩn bị hết những gì có thể: xem qua từng câu từng chữ có trên trang web của công ty, chuẩn bị một loạt các câu hỏi thông minh để hỏi ngược lại nhà tuyển dụng.

Nhưng dù có tất cả những điều này, đôi khi bạn vẫn thấy mình tham gia vào cuộc phỏng vấn với một sự căng thẳng tột độ. Tất cả các bằng cấp của bạn có thể dễ dàng bị lu mờ nếu tất cả người phỏng vấn nhớ là bạn đã run sợ như thế nào. May mắn thay có rất nhiều thủ thuật tinh thần bạn có thể sử dụng để chống lại sự căng thẳng. Hãy thử một trong những thủ thuật dưới đây để trấn tĩnh bản thân, tăng sự tự tin, và giảm căng thẳng khi bước vào cuộc phỏng vấn.

  1. Đừng cố gắng bình tĩnh.

Đúng như vậy – một trong những điều tồi tệ nhất trong tình huống này là cố gắng thật bình tĩnh. Nghiên cứu mới của giáo sư Alison Brooks thuộc Đại học Harvard cho thấy cách giải quyết lo lắng tốt nhất là tự thuyết phục bản thân rằng bạn đang rất phấn khởi.

Trong thử nghiệm của mình, Brooks đã cho những tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động căng thẳng như ca hát, thi cử và nói trước đám đông. Trước khi tham gia, Brooks yêu cầu nhóm tình nguyện viên thứ nhất nói, “Tôi đang bình tĩnh,” nhóm thứ hai nói, “Tôi cảm thấy rất phấn khích,” và nhóm thứ ba không nói gì. Và cô ấy phát hiện ra rằng nhóm những tình nguyện viên nói, “Tôi cảm thấy rất phấn khích”, tự tin hơn và thể hiện tốt nhất trong tất cả các nhóm.

Làm thế nào mà một câu nói đơn giản có hiệu quả rõ rệt như vậy? Hóa ra, cảm giác lo lắng có mối quan hệ mật thiết với cảm giác phấn khích. Cả hai đều là trạng thái kích động – nghĩa là cơ thể và trí óc của chúng ta được kích thích – nhưng ở các trạng thái cảm xúc khác nhau. Lo lắng là kiểu kích động mang tính tiêu cực, trong khi đó sự phấn khích mang tính tích cực và lạc quan.

Bằng cách chuyển năng lượng tiêu cực thành năng lượng tích cực sẽ giúp bạn thể hiện bản thân một cách tốt hơn thay vì tự cản trở bản thân. Và, như Brooks đã chứng minh, hãy đánh lừa bản thân và nghĩ rằng mình đang thực sự phấn khởi.

  1. Đọc sách.

Đọc đúng thể loại sách còn có thể làm bạn cảm thấy tự tin hơn.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology cho thấy những người đọc thể loại văn học có xu hướng hành xử và suy nghĩ giống như những nhân vật trong sách. Ví dụ, trong một nghiên cứu, độc giả đã được chỉ định đọc một quyển sách về một người đàn ông bị tước bỏ quyền bầu cử nhưng đã tranh đấu giành quyền bầu cử cho mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các độc giả bị ảnh hưởng bởi quyển sách mà họ đã đọc và có xu hướng tham gia vào các cuộc bầu cử.

Hãy thử làm việc này: Thay vì dành thời gian trước khi phỏng vấn trước để dự đoán về những gì sắp xảy ra, hãy dành chút ít thời gian để đọc sách hoặc bài viết của những người đi trước đã đối mặt với những tình huống tương tự như bạn. Bằng cách xác định những vấn đề mà ngưới đi trước đã gặp phải, bạn cũng có thể làm điều tương tự để vượt qua những rào cản từ bản thân.

  1. Đừng tự phê bình bản thân.

Dành ít phút để đọc qua sơ yếu lý lịch của bạn. Hãy cố tình đọc từng dòng. Trong khi đọc, hãy cố gắng theo dõi những suy nghĩ của bạn. Đó là những suy nghĩ tích cực, tiêu cực, hay trung lập?

Nếu bạn phát hiện ra rằng bạn cảm thấy tiêu cực nhiều hơn về hồ sơ của mình, bạn nên hiểu rằng đây là một phản ứng tự nhiên – đó là cách để chúng ta lường trước những lời chỉ trích và phản ứng với nó hoặc bản thân bạn đang cố gắng bào chữa cho những khuyết điểm trong CV.

Vậy làm thế nào bạn có thể ngừng tự phê bình bản thân khi bước vào cuộc phỏng vấn? Câu trả lời nghe đơn giản: Bạn chỉ cần nhắc nhở bản thân rằng bất cứ ai cũng sẽ có điểm yếu.

Có nhiều cách mà bạn có thể làm để không còn suy nghĩ tiêu cực về bản thân, trước khi bước vào buổi phỏng vấn hãy thử đọc lại sơ yếu lý lịch của bạn trên quan điểm của người phỏng vấn. Khi bạn thấy mình có những suy nghĩ tiêu cực, lưu ý đến chúng và tiếp tục đọc. Sau một vài lần đọc, bạn có thể thấy rằng những suy nghĩ tiêu cực đã được giảm bớt – và điều đó giúp bạn tự tin hơn.

Bạn cần phải chuẩn bị rất nhiều trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn, nhưng những thủ thuật này sẽ giúp bạn giải tỏa tinh thần hơn. Hãy thử một hoặc cả ba – và tự tin thể hiện trong buổi phỏng vấn.